THÔNG TIN CHUNG CỦA TRƯỜNG

Ngày 24/9/1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký quyết định số 790/TTg chính thức cho ra đời trường Đại học Dân lập Lạc Hồng, trở thành trường đại học đầu tiên của tỉnh Đồng Nai. Đó là một sự kiện phù hợp với xu thế tất yếu; đáp ứng yêu cầu cấp thiết về đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật của một tỉnh không chỉ mạnh kinh tế, xã hội mà còn có trọng tâm phát triển các khu công nghiệp và các ngành nghề công nghiệp, dịch vụ.

Trường Đại học Lạc Hồng (Biên Hòa – Đồng Nai) đã trải qua nhiều năm xây dựng và phát triển, là một trường đại học đa ngành, đa nghề.

Với chiến lược đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, nhà trường vừa mở thêm ngành dược sĩ trình độ đại học với mục tiêu cung cấp nhân lực dược có chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Đến nay nhà trường đã phát triển toàn diện từ hệ, ngành đào tạo; hoạt động chuyên môn; hợp tác quốc tế đến cơ sở vật chất …

smaple image

Lịch sử hình thành

Xuất phát từ nhu cầu cung ứng nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa của Đồng Nai nói riêng và khu vực kinh tế trọng điểm phía nam nói chung; nguyện vọng của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Đồng Nai mong muốn có một trường đại học tại Đồng Nai.

Ra đời vì “nhu cầu bức thiết” …

Từ những năm 1993 – 1994 lãnh đạo tỉnh đã nhìn thấy nhu cầu bức thiết phải xây dựng một trường đại học tại Biên Hòa – Đồng Nai nhằm tạo nguồn nhân lực kịp thời đáp ứng đà phát triển kinh tế – xã hội tại tỉnh nhà. Hội nghị Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ V cũng như các Đại hội sau đó đều có Nghị quyết về thành lập trường đại học tại TP Biên Hòa. Đó là cơ sở thuận lợi cho việc sớm ra đời một trường đại học tại Đồng Nai.

Có nhiều ý kiến về tên trường, nhưng cuối cùng nhất trí một trường đại học đào tạo nhân lực cao cho đất nước, cho dân tộc thì những con người được đào tạo đó phải nhớ đền nguồn cội, tự hào mình là con cháu Lạc Hồng, phải làm sao xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải ra sức giữ nước”. Chính vì thế trường có tên là Đại học Lạc Hồng.

Ngày 29/09/1995, UBND tỉnh ra quyết định công nhận Hội đồng sáng lập Trường. Ngày 29/09/1995, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Minh Hoàng có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo xin thành lập Trường Đại học Dân lập Lạc Hồng. Trong thời gian chờ đợi quyết định của Thủ tướng Chính phủ, một Ban thường trực Hội đồng sáng lập Trường do PGS TS Đoàn Văn Điện làm Trưởng ban ra đời với nhiệm vụ hoàn tất các công việc chuẩn bị cần thiết cho một trường đại học, có thể bắt tay vào hoạt động một khi có quyết định chính thức của Thủ tướng. Ngày 02/06/1997, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo GS TS Trần Hồng Quân ký quyết định công nhận Hội đồng sáng lập Trường Đại học Dân lập Lạc Hồng do ông Nguyễn Trùng Phương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch. Ngày 19/9/1997, Bộ trưởng lập Tờ trình số 8140/TCCB về việc thành lập Trường Đại học Dân lập Lạc Hồng trình Chính phủ. Ngày 24/9/1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký Quyết định số 790/TTg chính thức cho ra đời Trường Đại học Dân lập Lạc Hồng đặt tại Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Ngày 17/10/1997, Bộ trưởng GS TS Nguyễn Minh Hiển ký Quyết định số 3261/GD-ĐT công nhận Hội đồng Quản trị Trường do ông Nguyễn Trùng Phương làm Chủ tịch. Ngày 31/10/1997, Bộ trưởng cũng đã ký Quyết định số 3463/GD-ĐT bổ nhiệm PGS TS Đoàn Văn Điện làm Hiệu trưởng Nhà trường.

Hình ảnh cơ sở đầu tiên của Đại học Lạc Hồng

Không ngừng phát triển …

Ngày 13/11/1997, trong Quyết định số 3678/GD-ĐT, Bộ trưởng cho phép Trường tổ chức chiêu sinh khóa đầu tiên gồm các ngành: Công nghệ Thông tin, Điện tử Viễn thông, Kỹ thuật Công trình, Kinh tế (với 3 chuyên ngành: Quản trị Kinh doanh, Tài chính Kế toán, Thương mại Du lịch). Lần lượt các năm sau nhiều ngành mới thêm vào, cho đến nay, Trường đã có 27 ngành học khác nhau.

Trường Đại học Lạc Hồng là một cơ sở giáo dục đa ngành, đa cấp học; gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, kinh tế và xã hội nhân văn. Nhà trường đảm bảo cung cấp và chăm lo những điều kiện học tập có chất lượng cho mọi người có nhu cầu đào tạo và đào tạo lại; mặt khác đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và hiểu biết chính trị cho thị trường lao động của tỉnh Đồng Nai nói riêng, cả nước nói chung.

… với niềm tin vững chắc 

Trường Đại học Lạc Hồng là trường đào tạo nhân lực cung cấp trực tiếp cho các Khu Công nghiệp, Khu chế xuất của tỉnh Đồng Nai và các khu vực lân cận. Chính vì thế trường đã xây dựng chương trình đào tạo theo tỉ lệ 60% lý thuyết, 40% thực hành và tự học. Bên cạnh đào tạo nhân lực Nhà trường chú trọng vườn ươm nhân tài. Những sinh viên có học lực từ Khá trở lên phải tự chịu trách nhiệm với điểm số của mình và phải tham gia nghiên cứu khoa học. Nhà trường luôn có một niềm tin vững chắc đó là mỗi sinh viên đều có một tiềm năng và nhà trường có nhiệm vụ phải khơi dậy những tiềm năng ấy cho sinh viên bằng hoạt động nghiên cứu khoa học. Với chương trình đào tạo như vậy sinh viên sẽ nhanh chóng kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp.

Nhà trường có xu hướng đưa trường học gần với các khu chế xuất, khu công nghiệp, tạo điều kiện cho các cán bộ nhân viên học thêm chuyên môn nghiệp vụ và phục vụ cho nhu cầu học tập suốt đời của các giảng viên, cán bộ công nhân viên, sinh viên trong Nhà trường.

Sứ mạng – Mục tiêu

a) Sứ mạng của Trường Đại học Lạc Hồng

Trường ĐH Lạc Hồng là cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học ứng dụng, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng đáp ứng nhu cầu xã hội. Trường cung cấp nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài có năng lực và phẩm chất phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

b) Tầm nhìn của Trường Đại học Lạc Hồng

Đến năm 2030, trở thành trường đại học định hướng ứng dụng hàng đầu tại Việt Nam.

c) Giá trị văn hoá

Đạo đức – Trí tuệ – Sáng tạo

d) Triết lý giáo dục

Lãnh đạo – Nhân văn – Chính trực

d) Mục tiêu của Trường ĐH Lạc Hồng

Trường ĐH Lạc Hồng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, có kiến thức chuyên môn, năng lực và kỹ năng nghề nghiệp, khả năng quản lý và các kỹ năng mềm như tin học, ngoại ngữ, giao tiếp, làm việc nhóm, v.v… Nguồn nhân lực đó có các phẩm chất chính trị, đạo đức và xã hội, có năng lực sáng tạo, có trách nhiệm nghề nghiệp và sức khỏe để góp phần quan trọng vào sự phát triển của xã hội. Nhà trường tạo môi trường thuận lợi để bồi dưỡng nhân tài, có khả năng phát triển kiến thức, nghiên cứu và tham gia học tập sau đại học ở trong và ngoài nước.